LỖI 1: KHÔNG DÙNG CHẤT CHỐNG NƯỚC VÀ VẾT BẨN

Với khí hậu nóng ẩm, hay mưa ở xứ nhiệt đới như nước ta, việc đôi giày của bạn dính nước là không thể tránh khỏi. Chính vì vậy, bạn nên sử dụng các sản phẩm phụ trợ giúp giày chống nước. Đừng tiếc một số tiền nhỏ cho những sản phẩm phụ trợ thế này nhé, nếu không bạn sẽ còn tốn nhiều hơn cho đôi sneaker hàng triệu đồng đấy.

Cách khắc phục: Sử dụng chất chống nước và vết bẩn 

LỖI 2: KHÔNG LÀM SẠCH THƯỜNG XUYÊN

Giày là món đồ được sử dụng thường xuyên nhất. Đặc biệt với những tín đồ sneaker, giày luôn được coi là “vật bất ly thân”. Tuy nhiên nhiều bạn trẻ lại không có thói quen vệ sinh giày thường xuyên, gây ra nhiều nguy cơ gây bệnh.

Một nghiên cứu từ Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ mới đây cho thấy số lượng nấm mốc trong các đôi giày cũ cao hơn 100 lần so với trong nhà vệ sinh. Quả thật các loại giày thể thao/sneakers, giày vải nếu không được vệ sinh kỹ sẽ trở thành môi trường tích tụ nhiều bụi bẩn, mồ hôi, nảy sinh nấm mốc.

Cách khắc phục: Làm sạch 1 lần/tuần

Tốt hơn hết, bạn nên làm sạch ngay sau khi giày bị bẩn. Bởi lẽ để vết bẩn dây vào và khô đi sẽ khiến đôi giày khó làm sạch hơn. Thậm chí nếu bạn dùng chất chống vết bẩn hoặc đôi giày của bạn làm từ da, dây giày và đường thêu vẫn bị thấm và dính bẩn dễ dàng.

Nếu bạn là một người nâng niu đôi giày của mình, hãy sử dụng miếng lau giày hàng ngày trước khi ra khỏi nhà. Sản phẩm này rất tốt cho những vết bẩn khi mới dính phải, cùng với việc làm sạch duy trì hàng tuần. 

LỖI 3: KHÔNG VỆ SINH KỸ DÂY GIÀY

Dây giày cũng là một bộ phận quan trọng, nhưng lại hay bị bỏ xót, hoặc vệ sinh qua loa trong quá trình vệ sinh giày.

Cách khắc phục: Rửa và thay dây giày thường xuyên

Dây giày cũng dễ bị bẩn và cũ. Vết bẩn thực tế có thể dính tại những chỗ xung quanh các lỗ xỏ dây cũng như lưỡi gà của giày. Làm sạch hoặc thay dây giày dự phòng là một trong những cách hay bị bỏ qua để làm mới giày thể thao.

Cách làm: Đơn giản chỉ cần tháo ra và giặt với nước xà phòng, sau đó vắt, phơi khô và cuối cùng xỏ lại dây.

Lưu ý: Nếu sử dụng nước tẩy rửa hoặc chà xát sẽ làm dây giày bị xơ.

 

LỖI 4: ĐỂ CẢ ĐỐNG GIÀY Ở DƯỚI TỦ
Nếu bạn là một người cuồng sneaker và việc giữ lại 50 hộp giày có thể khiến phòng ngủ khá chật chội, nhưng nếu bạn xoay tua khoảng 5 đôi giày thì cũng nên dành chút không gian để cất giày.

Để giày ở dưới tủ đồ có thể khiến da giày bị nhăn hoặc nứt, cũng như có các vết cong vênh không thể khắc phục được. Hơn thế nữa, điều này vô hình trung tạo môi trường lý tưởng cho các loại nấm, mốc sinh sôi nảy nở.

Cách khắc phục: Giữ lại hộp giày
Điều mà nhiều người không nhận ra là bụi cũng có thể chui vào các vết nhăn hoặc nứt của giày khi không sử dụng, và làm giày mau bẩn hơn. Để giày trong hộp ban đầu không chỉ giúp giữ sạch mà còn chứng tỏ niềm đam mê của bạn với giày sneaker nữa đấy. Và đó cũng là bảo chứng cho thấy đôi giày của bạn là hàng chính hãng phải không nào?

Ngoài ra, bạn có thể cho thêm một ít giấy báo để hút ẩm, cách bảo quản giày này sẽ giúp giày không bị ẩm mốc và luôn bền đẹp.

 

LỖI 5: BẢO QUẢN GIÀY NƠI CÓ ÁNH NẮNG TRỰC TIẾP
Phơi giày ngoài ánh nắng mặt trời chỉ khiến giày của bạn bị bạc màu và nhăn nheo, hỏng dáng. Bên cạnh đó, một số bạn cũng sai lầm khi dùng máy sấy để hơ khô giày, khiến phần vải giày bị nhăn nheo, bạc màu.

 

Cách khắc phục:

 Không nhất thiết phải phơi giày dưới nắng! Một chỗ phơi khô ráo, thoáng mát và tránh sự tác động trực tiếp của mặt trời sẽ giúp giày của bạn bền hơn đấy!